Tiếp nhận Nàng men chàng bóng

Ngay từ giai đoạn đi vào sản xuất, bộ phim đã được nhiều người theo dõi và chờ đợi;[10][21] tuy vậy, chỉ sau buổi chiếu ra mắt trước truyền thông, Nàng men chàng bóng nhanh chóng vấp phải vô số ý kiến phê bình từ giới báo chí và các nhà phê bình chuyên môn.[22] Nhà báo kiêm nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm trong một bài đăng trên Facebook về bộ phim đã bình luận rằng: "Với phim này thì không thể gọi là điện ảnh mà là một dạng tấu hài phường [...] tầng lớp bình dân bây giờ chắc họ cũng không chịu nổi những dạng phim này nữa rồi!". Một nhà làm phim khác cũng phân tích những thiếu sót trong chuyên môn điện ảnh của tác phẩm, như việc lạm dụng yếu tố hài hước quá mức; các nhân vật chỉ được khắc họa ở bề nổi, không đi sâu vào được nội tâm; và việc nhịp phim, vốn được cho là rất quan trọng trong nghiệp vụ đạo diễn, đã bị bỏ qua hoàn toàn xuyên suốt chuyện phim.[23][24] Các nhận xét về phim thời điểm công chiếu trailer còn liên hệ tác phẩm với bộ phim bị cho là "thảm họa" năm 2011 Cảm hứng hoàn hảo và lên án Nàng men chàng bóng bởi việc sử dụng cùng một loại ý tưởng giống Cảm hứng hoàn hảo, đưa ra những nhận thức sai lầm về giới tính.[25]

Tại thời điểm khởi chiếu rộng rãi, có nhiều người đã coi đây là "đỉnh điểm của "Thảm họa phim Việt"" và xếp bộ phim vào cùng với những "thảm họa điện ảnh" khác như Hello cô Ba, Lệnh xóa sổ, Chuông reo là bắn,... trong bối cảnh các phim Việt "hài nhảm" trở nên phổ biến và nhận phải chỉ trích từ người xem.[26] Nhiều khán giả đã gọi bộ phim như "cú vả thật sự vào mặt khán giả", "gáo nước lạnh dội vào điện ảnh Việt" hay "nỗi sỉ nhục đối với nền điện ảnh nước nhà".[26][27] Đây cũng được cho là tác phẩm làm "hạ bệ" tên tuổi của các diễn viên chính tham gia.[28] Có nhiều ý kiến đã đả kích thông điệp của phim về người đồng tính khi "làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của một cộng đồng có thật".[29][30][31] Bài viết báo điện tử VietNamNet thì liệt kê Nàng men chàng bóng vào trong số "5 "Mâm xôi vàng" của phim Việt 2012", với lời nhận xét rằng: "[Bộ phim] đã có "công trạng" góp phần giúp điện ảnh Việt có thêm nhiều từ ngữ mới phát sinh: phim "siêu nhảm", phim "đại thảm họa" [...] vượt trên các đối thủ khi bạo gan và hồn nhiên diễn đạt cách nhìn méo mó, lệch lạc về đồng tính".[32]

Hầu hết đánh giá chuyên môn của các tờ báo trong nước về bộ phim đều là tiêu cực.[24] Báo VnExpress đã gọi đây là "thảm họa chúa của phim Việt", dành những lời nhận xét tiêu cực về bộ phim "là một sự chắp ghép rời rạc những màn hài kịch nhạt nhẽo [...] "cù nách" khán giả rồi bảo "cười đi""; "bóp méo giới tính, áp đặt câu chuyện tới mức sửng sốt"; kịch bản phim "dễ dãi" hơn những thảm họa phim Việt ra mắt trước đó, với "quá nhiều tình tiết phi lý, phản cảm và cách xử lý hời hợt như một trò đùa". Người viết cũng chỉ ra lỗi kĩ thuật về âm thanh, cắt dựng chuyển cảnh "quá cẩu thả vội vàng", đồng thời cho rằng đạo diễn Võ Tấn Bình thông qua Nàng men chàng bóng đã góp phần "kéo điện ảnh nước nhà đi xuống" và nhận định đây là một hướng đi "đáng thất vọng" của cả hai diễn viên chính Ngọc Diệp và Kiến Huy.[27] Trong khi đó, cây bút Cát Khuê của tờ Tuổi Trẻ thì so sánh bộ phim như một "giọt nước tràn ly [...] khi thị trường điện ảnh Việt Nam có thêm một phim hài dạng... siêu nhảm!". Tuy chỉ ra những ưu điểm của phim về mặt diễn xuất, quay phim, hành động, song tác giả vẫn nhìn nhận tác phẩm "được làm khá tùy tiện [...] bất chấp những chuẩn mực thông thường nhất của ngôn ngữ điện ảnh", và có quá nhiều màn tung hứng kiểu tấu hài giữa các nhân vật khiến phim "không có điểm dừng, thiếu sự kiểm soát". Bài viết cũng suy luận rằng đạo diễn là người duy nhất có lỗi cho chất lượng của bộ phim, bởi trong dự án này, Võ Tấn Bình không hề có áp lực từ nhà sản xuất hay nhà đầu tư khi chọn lựa diễn viên và bối cảnh.[23] Trong một đánh giá nhẹ nhàng hơn, tác giả Văn Bảy của báo Thể thao & Văn hóa đã ghi nhận những điểm cộng của phim khi so với các tác phẩm thuộc dòng phim "hài nhảm" ở một số quốc gia Châu Á khác, dù còn có đôi chỗ mà người viết cho là chưa hợp lý, "khiên cưỡng", "gượng ép", và xét về mặt tổng quan bộ phim "giống phim "hài nhảm" Hồng Kông [...] hơi nửa vời".[21]

Đáp trả lại dư luận tiêu cực, đạo diễn Võ Tấn Bình trong một bài phỏng vấn đã lên tiếng bảo vệ bộ phim, cho biết có nhiều khán giả đều bày tỏ sự đón nhận tích cực đối với tác phẩm,[33] đồng thời cho rằng các tờ báo đang dùng những lời nói "hằn học, ác ý" hoặc thậm chí là "mạt sát" nhắm tới phim. Ông cũng khẳng định sẽ sẵn lòng mời những người chưa xem phim nhưng có lời "chê bai" đến xem bộ phim cùng ông để "hiểu rõ hơn thế nào là dư luận... chê".[3]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nàng men chàng bóng http://www.youtube.com/watch?v=4sgm3trFglk http://nld.com.vn/su-kien/sao-viet-tu-hoi-ngam-din... https://vnexpress.net/duc-tien-khong-nuong-tay-voi... https://vnexpress.net/nang-men-chang-bong-tham-hoa... https://web.archive.org/web/20210924235903/https:/... https://web.archive.org/web/20220123005609/https:/... https://web.archive.org/web/20221022163435/https:/... https://web.archive.org/web/20221022163436/https:/... https://web.archive.org/web/20221022163437/https:/... https://web.archive.org/web/20221022163626/https:/...